XtGem Forum catalog
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Emily trên dải cầu vồng


Phan_9

Tối đó Emily viết một bài thơ – Tạm biệt Trăng Non, nước mắt ướt đẫm trên từng con chữ. Từng câu từng dòng như thấm vào trong lòng cô. Thật tuyệt vời xiết bao khi được đến trường… nhưng cô lại phải rời xa trang trại Trăng Non yêu dấu! Mọi thứ ở Trăng Non đều gắn bó với cuộc sống và tâm hồn cô… là một phần máu thịt của cô.

“Không phải chỉ có mình cô yêu căn phòng, cây cối và những rặng đồi… chính chúng cũng yêu mình,” cô nghĩ.

Cái va ly nhỏ màu đen của cô đã chật ních đồ. Bà Elizabeth đã coi sóc để mọi món đồ cần thiết đều được cất vào đó, trong khi bà Laura và ông Jimmy thì để ý sao cho ngay cả một vào món đồ không thật sự cần thiết cũng được đóng gói theo. Bà Laura đã bảo Emily rằng cô sẽ tìm thấy một đôi tất ren màu đen cất trong đôi dép quai hậu – ngay cả bà Laura cũng chẳng dám liều đến mức chọn tất lụa – còn ông Jimmy cho cô ba cuốn sổ Jimmy kèm với một chiếc phong bì bên trong có đồng năm đô la.

“Để mua bất cứ thứ gì cháu muốn, Mèo Con ạ. Nhẽ ra ta định bỏ mười đô cơ, nhưng bác Elizabeth chỉ cho ta ứng trước năm đô tiền lương tháng tới thôi. Có lẽ bác ấy cũng đoán ra được.”

“Nếu có thể tìm ra cách kiếm được mấy con tem của Mỹ thì cháu có được phép lấy một đô để mua chúng không ạ?” Emily hồi hộp nói nhỏ.

“Cháu thích mua gì cũng được,” ông Jimmy kiên định nhắc lại, mặc dù ông vẫn chẳng thể hiểu nổi tại sao lại có người thích mua mấy con tem của Mỹ chứ. Nhưng nếu Emily muốn mua tem Mỹ, thì cô cũng nên có tem Mỹ.

Ngày hôm sau trôi qua giống y như một giấc mơ đối với Emily… con chim véo von trong rừng cây bụi nhà ông John Ngạo Mạn khi cô tỉnh giấc lúc bình minh… hành trình tới Shrewsbury trong buổi sáng mát lành đầu tháng Chín… màn đón chào lạnh nhạt của bà Ruth… khoảng thời gian trong một ngôi trường lạ… tổ chức ở các lớp năm nhất… về nhà ăn tối… chắc chắn bằng đấy việc chẳng thể chỉ gói gọn trong một ngày được.

Nhà bà Ruth nằm cuối một con ngõ trong khi dân cư, mấp mé vùng nông thôn. Emily nghĩ ngôi nhà thật xấu kinh lên được, trang trí lờ loẹt đủ các thể loại hầm bà lằng. Nhưng ở Shrewsbury, chẳng có gì ngoài một bãi cỏ nhỏ trơ trụi, khô khan; nhưng có một thứ Emily vừa nhìn thấy đã thích. Phía sau ngôi nhà là một bãi đất rộng với những cây linh sam mảnh mai cao vút – những cây linh sam mảnh dẻ nhất, thẳng tăm tắp và cao chót vót nhất mà cô từng nhìn thấy, trải về đằng sau nhà hòa vào trong một cảnh sắc mơ màng sanh ngắt dài vô tận.

Bà Elizabeth ở Shrewsbury cả ngày, mãi đến sau bữa tối mới về nhà. Ra đến ngưỡng cửa, bà bắt tay Emily, nhắn nhủ cô hãy tỏ ra ngoan ngoãn và phải tuyệt đối làm theo lệnh bà Ruth. Bà không hôn Emily, nhưng so với bình thường thì giọng bà Elizabeth đặc biệt dịu dàng. Emily đứng trên ngưỡng cửa, nước mắt đầm đìa, nghẹn ngào nhìn theo cho đến khi bóng dáng bà Elizabeth đã khuất khỏi tầm mắt – bà Elizabeth đang quay về trang trại Trăng Non dấu yêu.

“Vào nhà đi thôi,” bà Ruth nói, rồi thêm “và xin cháu đừng có đóng sầm cửa lại đấy.”

Ơ này, Emily có bao giờ đóng sầm của đâu.

“Chúng ta sẽ rửa bát đĩa ăn lúc tối,” bà Ruth nói. “Từ rày về sau ngày nào cháu cũng phải làm thế đấy. Ta sẽ chỉ cho cháu chỗ để đồ đạc. Chắc bà Elizabeth đã bảo cháu là ta muốn cháu làm vài việc nội trợ lặt vặt để đổi lại việc trọ ở đây.”

“Vâng,” Emily đáp ngắn gọn.

Cô không lăn tăn chuyện phải làm việc nhà, nhiều đến đâu cũng thế… nhưng chính giọng điệu của bà Ruth mới gây khó chịu.

“Tất nhiên cháu mà ở đây thì chi phí sinh hoạt của ta sẽ đội lên rất nhiều,” bà Ruth tiếp tục. “Nhưng cũng là chuyện hợp tình hợp lý khi tất cả chúng ta cùng phải đóng góp nuôi dưỡng cháu. Ta cho là, và lúc nào ta cũng nghĩ như vậy, đáng ra sẽ tốt hơn nhiều nếu cho cháu đến trường Queen để kiếm cái chứng chỉ làm giáo viên.”

“Cháu cũng muốn thế,” Emily nói.

“Hừm.” Bà Ruth bĩu môi. “Ra là thế. Nếu vậy thì ta thật không hiểu nổi tại sao bác Elizabeth lại không cho cháu đến Queen. Xét trên nhiều phương diện khác thì ta dám chắc bà ấy đã chiều chuộng cháu quá đủ rồi… ta vẫn cho rằng nếu bà ấy nghĩ cháu thực lòng mong muốn điều này thì kiểu gì bà ấy chẳng nhân nhượng. Cháu sẽ ngủ ở buồng bếp. Mùa đông chỗ đó ấm hơn những phòng khác. Trong đó không có khí đốt, nhưng dù sao đi nữa thì ta cũng chẳng đủ khả năng sắm khí đốt để cho cháu học hành. Cháu phải dùng nến thôi; mỗi lần dùng hai cây cũng được. Ta muốn cháu giữ phòng riêng gọn gàng ngăn nắp và có mặt ở đây để ăn cơm đúng vào giờ giấc ta đã đề ra. Ta cực kỳ để ý đến chuyện này đấy. Còn một việc nữa mà cháu cũng cần phải hiểu ngay lập tức. Cháu không được phép đưa bạn bè về đây. Ta không có ý định mua vui cho bọn chúng đâu.”

“Ilse cũng không được ạ, hay Perry, hay Teddy cũng vậy ạ?”

“Chà, Ilse là một người nhà Burnley và cũng có quan hệ xa. Con bé thỉnh thoảng đến cũng được, không có chuyện lúc nào cũng chạy lăng quăng ở đây đâu nhé. Theo những gì ta nghe được thì con bé không phải một người bạn đồng hành phù hợp với cháu lắm. Về phần đám con trai… chắc chắn là không. Ta chẳng biết gì về Teddy Kent, và cháu phải thấy đủ tự trọng để đừng có mà giao du với Perry Miler.”

“Cháu đủ tự trọng để giao du với cậu ấy,” Emily vặc lại.

“Đừng có xấc xược với ta, Em’ly. Cháu cần phải hiểu ngay bây giờ rằng ở đây, cháu sẽ không được phép thích làm gì thì làm như khi cháu ở trang trại Trăng Non đâu. Cháu bị chiều quá hóa hư rồi. Nhưng ta sẽ không cho phép những thằng bé làm thuê được đến thăm cháu gái ta. Rõ là ta không thể hiểu nổi cái sở thích thấp kém đó của cháu từ đâu mà ra. Đến cả cha cháu có vẻ như cũng ra dáng một quý ông đấy chứ. Lên nhà dỡ đồ đạc ra đi. Rồi sau đó học đi. Chúng ta sẽ đi ngủ lúc chín giờ!”

Emily bừng bừng phẫn nộ. Ngay cả bác Elizabeth cũng chưa bao giờ nảy ra ý nghĩ cấm Teddy đến trang trại Trăng Non. Cô khóa mình trong phòng và ủ rũ tháo dỡ hành lý. Căn phòng mới xấu xí làm sao chứ. Vừa nhìn là cô đã thấy ghét rồi. Cửa ra vào đóng không chặt; trần nhà dốc thấm mưa lỗ chỗ, sả xuống quá sát giường đến độ giơ tay ra là đã chạm vào được. Sàn nhà trống trơn trải một tấm thảm lớn “thêu móc” khiến Emily nhức cả mắt. Tấm thảm không mang phong cách Muray – nói một cách công bằng thì cũng chẳng phải thị hiếu của bà Ruth Dutton. Một người họ hàng ở quê của ông Dutton quá cố đã tặng nó cho bà. Chính giữa là mảng màu đỏ tươi lòe loẹt, sốngsượng, xung quanh là những trang trí hình xoắn ốc màu cam chói mắt và màu xanh lục đậm thái quá. Ở bốn góc thảm là những bó dương xỉ tím và hoa hồng xanh.

Đồ gỗ trong phòng sơn màu nâu sô cô la trông đến là gớm guốc, bốn bức tường dán loại giấy với hoa văn thậm chí còn gớm guốc hơn nhiều. Các bức tranh cũng mang lại ấn tượng tương tự, đặc biệt là bức thạch bản rực rỡ có hình nữ hoàng Alexandra, nữ trang lấp lánh khắp người, được treo ở một góc độ dễ khiến người ta có cảm giác người phụ nữ vương giả ấy thế nào cũng ngã giập mặt cho xem. Bức thạch bản chẳng thể biến nữ hoàng Alexandra trở nên xấu xí hay tầm thường, nhưng đáng thương thay, cảm giác mà nó mang lại thì cũng chẳng kém cạnh là bao. Trên cái giá hẹp màu nâu sô cô la, có một bình hoa giấy cắm đầy những bông hoa giấy dễ chừng đã hai mươi năm tuổi. Thật chẳng ai có thể tin nổi trên đời này có có bất cứ thứ gì xấu xí và sầu não như chúng.

“Căn phòng này chẳng thân thiện chút nào… nó không muốn mình… mình sẽ chẳng đời nào tìm được cảm giác thận thuộc thoải mái ở đây,” Emily nói.

Cô thấy nhớ nhà da diết. Cô muốn những những ánh nến ở Trăng Non tỏa sáng chiếu rọi những cây bu lô… mùi hương của những dãy hoa bia tắm ướt sương… lũ mèo gừ rừ của cô… căn phòng yêu dấu đong đầy ước mơ của cô… sự thính lặng và những bóng đen trong khu vườn cũ… những bài ca oai hùng của sóng gió cất lên giữa vịnh… thứ âm nhạc lâu đời vang vọng mà cô nhớ đến quay quắt giữa sự im lặng của vùng nội địa này. Thậm chí, cô nhớ cả khu nghĩa địa nhỏ vốn là nơi yên nghỉ của những thế hệ Trăng Non quá cố.

“Mình sẽ không khóc.” Emily siết chặt hai tay. “Bác Ruth sẽ cười nhạo mình cho xem. Mình chẳng thể yêu nổi bất kỳ thứ nào trong này. Liệu bên ngoài có thứ gì không?”

Cô đẩy cửa sổ lên. Ô cửa trổ ra hướng Nam, mở thẳng ra vạt linh sam, và mùi nhựa thơm bay đến chỗ cô như vuốt ve âu yếm. Phía bên trái, có một khoảng trống giữa rừng cây, làm thành một cái cửa sổ xanh mái vòm, và xuyên sang phía bên kia, người ta sẽ nhìn thấy một khoảnh đất nhỏ chan chứa ánh trăng quyến rũ đến mê người. Và nó cũng dẫn vào khung cảnh hoàng hôn tráng lệ. Phía bên phải trông ra sườn đồi rải rác những mái nhà của cư dân phía Tây Shrewsbury; ngọn đồi lốm đốm ánh đèn giữa ánh chạng vạng ngày thu, đắm chìm trong một vẻ đẹp như miền cổ tích. Đâu đó gần đây, vẳng lại tiếng chim uể oải chắc hẳn của vài chú chim non đang mơ màng buồn ngủ nhún nhảy trên một cành cây sấp bóng.

“Chao ôi, cảnh tượng này đẹp quá,” Emily thì thào, thò hẳn người ra ngoài để hít căng lồng ngực bầu không khí đượm hương linh sam. “Cha từng bảo mình rằng chỉ cần tìm thấy được một nét gì đẹp đẽ thì con người ta có thể yêu mếm được bất cứ nơi đâu. Mình sẽ yêu nơi này.”

Bà Ruth bất nhờ ngó đầu vào phòng qua cửa ra vào.

“ Em’ly, sao cháu lại để cái áo ghế kia nằm xộc xa xộc xệch trên sofa phòng ăn thế hả?”

“Cháu… không… biết,” Emily bối rối nói. Cô thậm chí còn chẳng ý thức được mình đã làm xáo trộn cái áo ghế ấy. Sao bà Ruth lại hỏi cô như thế chứ, cứ như thể bà nghi ngờ cô đang ấp ủ một mưu đồ nham hiểm đen tối khó lường nào đó vậy.

“Xuống chỉnh nó ngay ngắn lại đi.”

Đúng lúc Emily ngoan ngoãn xoay người lại thì bà Ruth kêu lên,

“Em’ly Starr, hạ cửa sổ xuống ngay lập tức! Cháu điên à?”

“Phòng ngột ngạt quá ạ, “ Emily nài nỉ.

“Ban ngày thì cháu có thể thông gió được, nhưng mặt trời đã lặn rồi thì đừng có bao giờ mở cái cửa số đó ra. Bây giờ ta chính là người chịu trách nhiệm cho sức khỏe của cháu đấy. Cháu phải biết là người bị lao phổi nhất thiết cần tránh khí đêm và gió lùa chứ.”

“Cháu không bị lao phổi,” Emily kêu lên phản đối.

“Tất nhiên là phải cãi rồi.”

“Mà nếu cháu có bị thật, thì không khí trong lành lúc nào cũng tốt nhất cho cháu. Bác sĩ Burnley đã nói vậy rồi. Cháu ghét cảm giác tù túng lắm.”

“Những người trẻ tuổi cứ nghĩ người già thật ngốc nghếch, trong khi người già biết rõ bọn trẻ mới ngốc nghếch làm sao.” Bà Ruth cảm thấy nguyên câu cách ngôn đó đã truyền tải hết những gì cần nói rồi. “Đi giũ thẳng cái áo ghế ra đi, Em’ly.”

“Em’ly” nín nhịn bước đi. Cái áo ghế gây khó chịu được chỉnh lại tư thế chuẩn xác.

Emily đứng nhìn quanh một lúc. Phòng ăn nhà bà Ruth tháng lệ và “tân thời” hơn hẳn căn “phòng khách” ở Trăng Non, nơi họ vẫn thường tổ chức những bữa ăn “quây quần”. Sàn lát gỗ cứng… thảm Wilton… đồ nội thất bằng gỗ sồi theo phong cách thời Tiền Anh. Nhưng, Emily nghĩ, căn phòng chẳng có được dù chỉ một nửa sự “thân thiện” của căn phòng cổ kính ở Trăng Non. Cô thấy nhớ nhà hơn bao giờ hết. Cô không sao thuyết phục được bản thân tin rằng mình sẽ thích bất kỳ điều gì ở Shrewsbury… việc sống cùng bà Ruth, hay chuyện đi học. So với thầy Carpenter sắc sảo chua cay thì giáo viên ở đây dường như ai nấy đều nông cạn và nhạt nhẽo, chưa kể ở lớp năm hai còn có một đứa con gái mà vừa nhìn cô đã thấy ghét ngay rồi. Ấy vậy mà cô những tưởng quãng đời này sẽ tươi sáng xiết bao… được sống tại Shrewsbury xinh đẹp và đi học trung học. Chà, trên đời đâu có chuyện gì y như ta hằng tưởng tượng đâu, Emily tự nhủ trên đường quay lại phòng, trong tâm trạng bi quan nhất thời. Chẳng phải chú Dean từng có lần kể rằng chú đã dành cả đời ấp ủ mơ ước được chèo thuyền gondola băng qua các dòng kênh Venice dưới đêm trăng sáng sao? Ấy vậy mà đến khi thực hiện được ước mơ đó, thiếu chút nữa chú đã bị bịn muỗi xơi tái.

Emily nghiễn chặt răng trong lúc mò mẫm bước lên giường.

“Mình chỉ cần tập trung suy nghĩ vào ánh trăng và không khí lãng mạn, phớt lờ lũ muỗi đi thôi,” cô nghĩ. “Chỉ có điều… bác Ruth châm chích độc địa quá thể.”

Chương 7: Chắp nhặt

“20 tháng Chín, 19…

“Dạo gàn đây, tôi thường bỏ bễ cuốn nhật ký của mình. Ở nhà bác Ruth thì người ta chẳng lấy đâu ra nhiều thời gian rảnh rỗi. Nhưng giờ là tối thứ Sáu và cuối tuần này tôi không thể về nhà được, vậy nên tôi đành tìm sự an ủi nơi cuốn nhật ký của mình. Cứ hai tuần một lần tôi mới được về Trăng Non nghỉ cuối tuần. Bác Ruth muốn tôi giúp ‘dọn dẹp nhà cửa’ vào thứ Sáu hàng tuần. Chúng tôi dọn dẹp khắp lượt ngôi nhà suốt từ trên xuống dưới, chẳng màng đến chuyện có cần phải làm thế hay không, y như cách nói của người lang thang khi rửa mặt định kỳ hàng tháng vậy, và rồi đến Chủ nhật sẽ nghỉ ngơi thư giãn, hoàn toàn không động chân động tay làm bất kỳ việc gì.

“Tối nay, nghe trong không khí có mùi sương giá. Tôi chỉ sợ khu vườn ở Trăng Non sẽ phải oằn mình chống chọi. Bác Elizabeth sẽ bắt đầu chắc mẩm đã đến mùa bỏ căn bếp ngoài trời và mang Waterloo quay trở lại bếp. Bác Jimmy sẽ vừa nấu cám lợn trong vườn cây ăn quả cũ vừa ngâm nga bài thơ do bác sáng tác. Rất có thể Teddy, Ilse và Perry – toàn những người may mắn đều đã được về nhà – sẽ đến đó, và Daff sẽ thơ thẩn xung quanh. Nhưng tôi không được nghĩ về chuyện này nữa. Như thế chỉ làm khuấy động nỗi nhớ nhà thôi.

“Tôi đang dần thấy yêu mếm Shrewsbury, trường Shrewsbury và các giáo viên ở Shrewsbury – tuy nhiên chú Dean đã nói rất đúng, ở đây tôi chẳng tìm thấy bất cứ ai giống như thầy Carpenter. Các học sinh năm hai và năm cuối đều coi thường đám học sinh năm nhất, và lúc nào cũng tỏ thái độ rất kẻ cả. Một vài người đã ra vẻ bề trên với tôi, nhưng thôi nghĩ chắc họ sẽ chẳng thử làm thế lần nữa đâu – ngoại trừ Evelyn Blake, lần nào gặp tôi cô ta cũng tỏ thái độ kẻ cả, mà chúng tôi lại gặp nhau khá thường xuyên, vì bạn thân của cô ta, Mary Carswell, trọ cùng phòng với Ilse tại nhà bà Adamson.

“Tôi ghét Evelyn Blake. Điều đó thì chẳng có gì phải nghi ngờ hết. Và cũng chẳng cần phải nghi ngờ chuyện cô ta ghét tôi. Chúng tôi là những kẻ thù bản năng… ngày từ lần đầu gặp gỡ, chúng tôi đã nhìn nhau như hai con mèo xa lạ, và chỉ cần nghĩ thế là đủ. Từ trước đến giờ, tôi chưa từng thực lòng căm ghét ai. Hồi xưa tôi cứ tưởng là có, nhưng bây giờ tôi đã nhận ra đó chỉ là cảm giác không thích thôi. Căm ghét là một thay đổi khá thú vị. Evelyn là học sinh năm hai, cao ráo, khôn ngoan và khá xinh xắn. Cô ta có đôi mắt dài màu nâu nhạt đầy xảo trá và hay nói bằng giọng mũi. Tôi biết cô ta có tham vọng văn chương, và luôn cho rằng mình là cô gái ăn mặc đẹp nhất trường trung học. Có lẽ cô ta đúng là thế thật, nhưng chẳng hiểu sao có vẻ như quần áo của cô ta còn gây được ấn tượng mạnh mẽ với người khác hơn cả bản thân cô ta. Mọi người vẫn chê bôi Ilse bởi ăn mặc quá sang trọng và quá già dặn, nhưng dù sao đi nữa cậu ấy vẫn làm chủ được quần áo của mình. Evelyn thì không thế. Bạn luôn nghĩ đến quần áo của cô ta trước khi nghĩ đến cô ta. Có vẻ như khác biệt nằm ở chỗ Evelyn mặc cho người khác, còn Ilse mặc cho chính bản thân mình. Khi nào quan sát cô ta kỹ càng hơn chút nữa thì tôi sẽ phải viết một bản phác thảo tính cách cô ta mới được. Nó sẽ làm tôi thỏa lòng lắm cho mà xem!

“Tôi gặp cô ta lần đầu tiên ở phòng của Ilse, và Mary Carswell đã giới thiệu chúng tôi với nhau. Cô ta nhìn xuống tôi – do lớn hơn tôi một tuổi nên cô ta cũng cao hơn tôi một chút – rồi nói,

“ ‘Ái chà, phải rồi, tiểu thư Starr phải không? Tôi đã nghe dì tôi, phu nhân Henry Blake, kể chuyện về cậu rồi.’

“Phu nhân Henry Blake chính là cô Brownell hồi xưa. Tôi nhìn thẳng vào mắt Evelyn mà đáp,

“ ‘Chắc chắn bà Henry Blake đã tô vẽ khá nhiều cho hình ảnh của tôi.’

“Evelyn bật cười – bằng một kiểu cười tôi chẳng thích chút nào. Nghe cái điệu cười đó, ta sẽ cảm thấy cô ta đang cười chính ta chứ không phải cười cợt điều ta vừa nói.

“ ‘Cậu không mấy hòa thuận với dì ấy, nhỉ? Theo tôi hiểu thì cậu khá yêu thích văn chương. Cậu viết cho báo nào vậy?’

“Cô ta hỏi bằng một giọng điệu vô cùng ngọt ngào nhưng cô ta biết rõ rành tôi chẳng viết cho tờ báo nào hết… vẫn chưa.

“ ‘ Tờ Doanh nghiệp của Charlottetown và tuần báo Thời đại của Shrewsbury,’ tôi đáp lại, toét miệng cười tinh quái. ‘Tôi vừa thỏa thuận với họ xong. Nếu tôi gửi tin cho Doanh nghiệp thì với mỗi mẩu tin, tôi sẽ nhận được hai xu, và hai mười lăm xu một tuần nhờ viết tin xã hội cho tờ Thời đại.’

“Nụ cười tươi tắn của tôi khiến Evelyn khó chịu. Đáng lẽ ra, học sinh năm nhất không được cười tươi tắn kiểu thế trước mặt các đàn anh đàn chị lớp trên. Chuyện vẫn chưa dừng ở đó.

“ ‘Ồ, phải rồi, theo tôi hiểu thì cậu phải làm việc để chi trả cho các chi phí sinh hoạt của mình,’ cô ta nói. ‘Chắc hẳn mỗi khoản thi dù nhỏ đến đâu cũng đều hữu ích cả. Nhưng ý tôi muốn nhắc đến những tập san văn học đích thực kia.’

“ ‘Như Bút lông hả?’ tôi hỏi lại kèm theo một nụ cười toe rạng rỡ khác.

“Bút lông là tờ báo của trường trung học, được xuất bản định kỳ hằng tháng. Nó được biên tập bởi các thành viên của Đầu lâu và Cú, một ‘hội văn học’ chỉ những học sinh năm hai và năm cuối mới đủ tư cách tham gia. Bài đăng trên Bút lông đều do học sinh viết, và mặc dù theo lý thuyết, bất kỳ học sinh nào cũng được tham gia đóng góp bài vở, nhưng trên thực tế, gần như tờ báo không chấp nhận bất cứ tác phẩm nào của học sinh năm nhất. Evelyn là một thành viên cốt cán trong hội Đầu lâu và Cú, và họ hàng của cô ta nắm vai trò biên tập viên của Bút lông. Rõ ràng cô ta cho rằng tôi đang chế nhạo cô ta, vậy là gần như từ lúc đó cho đến tận khi ra về, cô ta phớt lờ tôi hoàn toàn, chỉ trừ một cú đâm thọc nhẹ nhàng khi câu chuyện chuyển sang đề tài váy vóc.

“ ‘Tôi muốn có một cái trong đám nơ mới kia quá,’ cô ta nói. ‘Ở Jones & McCallum có mấy mẫu mới đáng yêu lắm, và trông chúng thanh nhã kinh khủng. Sợi ruy băng nhỏ bằng nhung đen mà cậu đang buộc quanh cổ ấy, tiểu thư Starr ạ, trông khá phù hợp đấy. Cái thời chúng còn thịnh hành, chính tôi cũng từng đeo một cái.’

“Tôi không thể nghĩ ra bất cứ câu phản pháo khôn ngoan nào. Tôi có thể dễ dàng nghĩ ra được những cách nói khôn ngoan khi chẳng có đối tượng nào để sử dụng chúng cả. Vậy nên tôi chẳng nói năng gì mà chỉ đơn thuần mỉm cười một cách vô cùng chậm rãi và khinh khỉnh. Có vẻ như thái độ đó còn khiến Evelyn thấy khó chịu hơn cả lời nói, vì sau đó tôi nghe thấy cô ta bảo rằng ‘tiểu thư Emily Star đó’ có một nụ cười rất giả tạo.

“Ghi chú: - Người ta có thể làm được vô khối việc nhờ những nụ cười thích hợp. Tôi phải nghiêm túc nghiên cứu vấn đề này mới được. Nụ cười thân thiện… nụ cười khinh bỉ… nụ cười vô tư… nụ cười khẩn khoản… nụ cười toe bình thường hay đầy tính phỉnh phờ.

“ Còn về cô Brownell – hay nói đúng hơn là bà Blake – tôi đã gặp cô ta trên phố cách đây vài ngày. Lúc vừa đi qua tôi, cô ta quay sang nói gì đó với bạn đồng hành và cả hai cười phá lên. Cách cư xử quá tệ, tôi nghĩ thế.

“Tôi thích Shrewsbury và thích trường học, nhưng tôi sẽ không bao giờ thích nhà của bác Ruth. Nó có tính cách rất khó chịu. Nhà cũng giống như người vậy… sẽ có ngôi nhà banj thích, có ngôi nhà không… và đôi khi sẽ có ngôi nhà mà bạn yêu. Nhìn từ ngoài vào, ngôi nhà này được bao phủ bởi lối trang trí lòe loẹt. Ở bên trong, các căn phòng thấy đều ngăn nắp, hợp thức và vô hồn. Cho dù có đặt gì vào trong những căn phòng đó thì dường như nó cũng chẳng bao giờ có vẻ như thuộc về nơi đó. Chẳng giống với ở Trăng Non, nơi này chẳng hề có những ngóc ngách hay ho lãng mạn. Phòng này của tôi cũng chẳng cải thiện hơn sau thời gian tôi ở đây. Trần nhà đè bẹp tôi… nó sà xuống ngay sát giường tôi… trong khi bác Ruth không cho phép tôi chuyển giường. Bác ấy tỏ vẻ hết sức kinh ngạc khi tôi đề xuất chuyện này.

“ ‘Chiếc giường lúc nào cũng được đặt ở góc đó,’ bác ấy bảo, cứ như thể bác ấy đang nói, ‘Mặt trời lúc nào chẳng mọc ở đằng Đông’ vậy.

“Nhưng các bức tranh mới đích thực là thứ tệ hại nhất ở căn phòng này… những bức thạch bản khắc họa những hình ảnh khó chịu nhất. Một lần tôi xoay chúng úp mặt vào tường và tất nhiên bác Ruth bước vào – bác ấy chẳng bao giờ gõ cửa – và để ý đến chúng ngay lập tức.

“ ‘Em’ly, sao cháu lại làm xáo trộn những bức tranh vậy?’

“Bác Ruth lúc nào cũng hỏi ‘tại sao’ tôi làm cái này, ‘tại sao’ tôi làm cái kia. Có khi tôi giải thích được, nhưng nhiều lúc tôi đành bó tay. Và lần này tôi cũng không thể. Nhưng tất nhiên tôi vẫn phải trả lời câu hỏi của bác Ruth. Trong trường hợp này thì một nụ cười khinh khi sẽ chẳng có tác dụng gì đâu.

“ ‘Cái vòng đeo cổ cho chó của nữ hoàng Alexandra cứ ám ảnh tâm trí cháu,’ tôi nói, ‘còn vẻ mặt của Byron trong giây phút cuối đời ở Missolonghi làm cháu không học hành nghiêm túc được.’

“ ‘Em’ly,’ bác Ruth nói, ‘cháu có thể cố gắng bày tỏ một chút thái độ biết ơn được không.’

“Tôi những muốn hỏi’

“ ‘Với ai kia ạ, nữ hoàng Alexandra hay huân tước Byron?’ nhưng tất nhiên tôi đã không làm thế. Thay vào đó, tôi ngoan ngoãn xoay hết các bức tranh trở lại vị trí cũ.

“ ‘Cháu vẫn chưa nói cho ta biết nguyên nhân đích thực khiến cháu xoay những bức tranh đó lại,’ bác Ruth nghiêm nghị nói. ‘Có lẽ cháu không định nói cho ta biết. Ngấm ngầm và khó lường… ngấm ngầm và khó lường… ta vẫn luôn nói cháu là người như vậy mà. Ngay từ lần đầu tiên gặp cháu ở Maywood, ta đã nói cháu chính là đứa trẻ ranh mãnh nhất ta từng gặp trên đời.’

“ ‘Bác Ruth, sao bác lại nói với cháu như thế?’ tôi giận dữ hỏi. ‘Đó là bởi vì bác yêu thương cháu và muốn cháu trở nên tốt hơn, hay bác căm ghét cháu và muốn làm cháu bị tổn thương, hay đơn giản chỉ tại bác không thể làm khác được?’

“Tiểu thư Xấc Láo này, mong cô nhớ cho đây là nhà của ta. Và kể từ giờ trở đi cô sẽ phải để yên cho các bức tranh của ta. Lần này, ta sẽ tha thứ cho cháu vì đã làm xáo trộn chúng, nhưng đừng để chuyện này xảy ra lần nữa đấy. Cho dù cháu có tưởng mình khôn ngoan đến thế nào chăng nữa, rồi cũng sẽ có lúc ta phát hiện ra động cơ nào khiến cháu xoay ngược những bức tranh đó lại.’

“Bác Ruth oai vệ bước ra khỏi phòng, nhưng tôi thừa biết bác ấy vẫn đứng nghe ngóng một lúc khá lâu ở đầu cầu thang để xem liệu tôi có bắt đầu nói chuyện một mình không. Bác ấy lúc nào cũng quan sát tôi… thậm chí ngay cả khi bác ấy chẳng nói gì… chẳng làm gì… tôi vẫn biết bác ấy đang quan sát tôi. Tôi có cảm giác mình chẳng khác gì một con ruồi đang ở dưới kính hiển vi. Không một lời lẽ, một hành động nào thoát khỏi sự phê phán của bác ấy, và cho dù không thể đọc được suy nghĩ của tôi, bác ấy cứ thích quy chụp cho tôi những suy nghĩ mà tôi chẳng bao giờ nảy sinh trong đầu. Tôi ghét chuyện đó còn hơn bất kỳ điều gì khác.

“Lẽ nào tôi không thể nói được điều tốt đẹp gì về bác Ruth? Tất nhiên tôi có thể chứ.

“Bác ấy là người trung thực, đoan chính, thật thà, cần cù và nói đến kho thức ăn của bác ấy thì bác Ruth không cần phải thấy xấu hổ với ai hết. Nhưng bác ấy chẳng có bất kỳ đức tính đáng mến nào, và bác ấy sẽ chẳng đời nào từ bỏ sự nỗ lực tìm hiểu xem tại sao tôi lại xoay những bức tranh đó lại. Bác ấy sẽ không bao giờ tin rằng tôi đã nói cho bác ấy sự thật giản đơn.

“Tất nhiên, mọi thứ ‘lẽ ra còn có thể tệ hơn’. Như Teddy từng nói đấy, nó có thể là tranh nữ hoàng Victoria thay vì nữ hoàng Alexandra.

“Tôi cũng treo một vài bức tranh của riêng mình đã góp phần cứu giúp tôi, một vài bức ký họa rất dễ thương về Trăng Non và về vườn cây ăn quả cũ được Teddy vẽ riêng cho tôi, cộng thêm một bản in khác do chú Dean tặng. Đó là bức tranh với những sắc màu ôn hòa, không mấy sắc nét khắc họa cảnh một hàng cọ bao quanh một dòng suối giữa sa mạc cùng một đoàn lạc đà đang băng qua dải cát dưới bầu trời tối đen điểm xuyết những vì sao. Bức tranh thấm đẫm màu sắc bí ẩn, đầy quyến rũ và mỗi khi nhìn thấy nó, tôi lại quên bẵng món đồ nữ trang của nữ hoàng Alexandra cũng như khuân mặt sầu thảm của huân tước Byron, và tâm hồn tôi thoát ra ngoài… ra bên ngoài… xuyên qua một cánh cổng nhỏ để đến với thế giới bao la, kỳ vĩ của tự do và mơ ước.


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16
Phan_17
Phan_18
Phan_19
Phan_20
Phan_21
Phan_22
Phan_23
Phan_24
Phan_25
Phan_26
Phan_27 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .